Ung thư đang trở thành một gánh nặng ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Theo Globocan 2018, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 164.671 ca mới mắc trong đó có khoảng 114.871 trường hợp tử vong. Phần lớn bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đều chết vì suy kiệt, gầy sút cân trước khi qua đời do khối u ung thư.

Ngày nay, dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư là vấn đề rất quan trọng, không thể thiếu. Đa phần bệnh nhân do thiếu hiểu biết, lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát nên không dám ăn uống, chế độ ăn thực dưỡng dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống cũng như không đủ sức khỏe để điều trị bệnh ung thư.

Tuân thủ chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý là một phần rất quan trọng trong hiệu quả điều trị bệnh ung thư. Điều trị ung thư là 1 quá trình lâu dài, gồm nhiều phương pháp, do đó việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị nhằm mục tiêu là tăng cường thể lực cho bệnh nhân đồng thời giảm thiểu được những tác dụng phụ không mong muốn của các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị...

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Bạch Mai - Nguyên viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Để có một sức khỏe tốt, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: Đạm- bột đường– chất béo- các vitamin và khoáng chất... Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, uống nhiều nước cũng như chế độ vận động, tập thể dục thể thao hợp lý.... sẽ giúp cơ thể có đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại ung thư chứ không phải là “dinh dưỡng làm khối u phát triển nhanh hơn” như nhiều người vẫn lo sợ. Động viên người bệnh cố gắng tuân thủ chế độ dinh dưỡng cũng là điều rất quan trọng trong cuộc chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Một số loại dưỡng chất cần đảm bảo trong bữa ăn hàng ngày đối với bệnh nhân ung thư bao gồm:

Đạm: Thịt cung cấp cho cơ thể các loại acid amin thiết yếu. Khẩu phần ăn của người bệnh ung thư cần đa dạng và cân đối các loại acid amin, bao gồm các loại thịt màu trắng như thịt gia cầm, các loại thịt đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò có nhiều sắt và kẽm... Các loại tôm, cua, cá, và hải sản cũng là nguồn cung cấp các acid amin và calci cho cơ thể.

Tinh bột: Gồm các loại ngũ cốc như: Gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch, các loại củ như khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn.... Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn gây nhiều tác hại cho cơ thể, đồng thời các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỷ lệ bệnh ung thư.

Các chất béo: Là chất cho giá trị năng lượng cao do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày cần phải có một hàm lượng Lipid nhất định, trong đó hàm lượng acid béo không no không quá 50% tổng năng lượng.

Rau quả: Sử dụng các loại rau củ quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản. Chế độ ăn nhiều rau quả giúp cung cấp các loại vitamin và giúp cơ thể tiêu hoá tốt hơn.