NỘI DUNG

1. Bạch cầu, Ung thư bạch cầu là gì?

2. Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư bạch cầu

3. Triệu chứng để nhận biết ung thư bạch cầu

3.1. Thiếu máu

3.2. Cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn

3.3. Cơ thể dễ xuất huyết

3.4. Tăng sinh, thâm nhiễm của tế bào ung thư máu

4. Các phương pháp chẩn đoán ung thư bạch cầu hiện nay

4.1. Xét nghiệm tế bào máu-xét nghiệm máu

4.2. Xét nghiệm tủy- chọc hút tủy xương

4.3. Phân tích huyết thanh và nước tiểu - xét nghiệm hóa sinh

4.4.  Xét nghiệm tìm bất thường gen - tìm bất thường nhiễm sắc thể

4.5. Xét nghiệm phân loại tế bào - kháng nguyên bề mặt tế bào

5. Các phương pháp điều trị ung thư bạch cầu hiện nay

6. Bệnh bạch cầu có chữa được không?

1. Bạch cầu, Ung thư bạch cầu là gì?

1.1. Bạch cầu là gì?

Như chúng ta đã biết, tế bào gốc tạo máu trong tủy xương sinh ra 3 dòng tế bào máu đó là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Bạch cầu là những tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện những “nhân tố lạ” gây bệnh đi vào cơ thể để sản sinh kháng thể tiêu diệt. Một số khác làm nhiệm vụ ghi nhớ, để lần sau nếu gặp lại nhân tố lạ này xâm nhập sẽ nhanh chóng phát hiện, cơ thể sản sinh ra một lượng lớn bạch cầu để tiêu diệt ngay lập tức. Bạch cầu được sinh ra tại tủy xương, không chỉ lưu hành trong máu, một lượng khá lớn bạch cầu còn trú ngụ ở các mô của cơ thể để làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể.

1.2. Ung thư bạch cầu là gì?

Ung thư bạch cầu hay còn gọi là ung thư máu, là một bệnh lý do các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra các tế bào máu. Các tế bào ung thư này không còn thực hiện chức năng vốn có là chống nhiễm trùng và hạn chế chảy máu cho cơ thể. Thay vào đó, chúng sẽ ứ đọng trong tủy xương gây cản trở quá trình tạo máu bình thường, hoặc chúng nhân lên nhanh chóng rồi lan đi rất xa trong cơ thể gây ra hàng loạt triệu chứng ở các cơ quan khác nhau. Ung thư bạch cầu là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, gây tử vong nhanh, các triệu chứng bệnh chỉ biểu hiện rõ khi bệnh đã nặng

Ung thư bạch cầu là gì

Ung thư bạch cầu không phải là một bệnh lý đơn lẻ mà bao gồm nhiều loại bệnh trong đó có 2 loại chính:

- Bạch cầu cấp dòng tủy (AML): do các tế bào dòng tủy bị ung thư hóa như hồng cầu, bạch cầu hạt, tiểu cầu mà không phải lympho

- Bạch cầu cấp dòng lympho (ALL): do tế bào lympho bị tổn thương ung thư.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư bạch cầu

Cơ thể chúng ta được hình thành từ hàng tỷ tế bào. Chúng phát triển và nhân lên theo trình tự nhất định, tế bào mới được sản xuất, phát triển và thay thế các tế bào đã chết để tiếp tục duy trì cơ thể ổn định. Theo nghiên cứu, bệnh ung thư bạch cầu là căn bệnh ung thư ác tính không hình thành nên khối u, không phải bệnh lý di truyền hay truyền nhiễm. Hiện nay, nguyên nhân trực tiếp gây ung thư máu vẫn chưa thể xác định và khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh có thể dễ hình thành bởi những tác động dưới đây

- Môi trường sống quá ô nhiễm, bị nhiễm chất phóng xạ

- Lối sống không lành mạnh, tiếp xúc với chất gây ung thư có trong thuốc lá, chất kích thích, đồ uống có cồn,…

- Người thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại 

- Người đã điều trị ung thư khác trước đó, tiếp xúc với các loại hóa chất, xạ trị có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư máu.

3. Triệu chứng để nhận biết ung thư bạch cầu

Cũng giống như nhiều căn bệnh khác, ung thư bạch cầu xuất hiện nhiều triệu chứng trước khi dẫn đến bệnh nặng. Tuy nhiên, một số triệu chứng này rất giống với nhiều căn bệnh thông thường do thay đổi thời tiết mà cơ thể gặp phải. Vì vậy, người bệnh cần hết sức chú ý, cảm nhận sự thay đổi của cơ thể cùng với các triệu chứng dưới đây.

3.1. Thiếu máu

Hồng cầu với chức năng vận chuyển oxy tới toàn bộ cơ thể nên việc bạch cầu được sản sinh quá nhiều trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng bạch cầu “ăn” hồng cầu làm giảm và thiếu hụt số lượng hồng cầu gây ra hậu quả thiếu oxy ở các cơ quan đích, các mô trong cơ thể, các triệu chứng như thở nhanh hoặc thở gấp hay khó thở, tức ngực khi vận động, hoa mắt, chóng mặt

3.1.1. Nhức đầu, chóng mặt

Thiếu máu là triệu chứng của ung thư bạch cầu

Tất nhiên không phải cứ nhức đầu là ung thư máu, hay việc đứng lên nhanh sau khi vừa ngồi dẫn đến hoa mắt, chóng mặt là ung thư máu. Nhưng, các bạn nên chú ý xem xét các cơn đau của mình. Bởi vì, ung thư máu thường xuất hiện các cơn đau dữ dội, kèm với đó là hiện tượng đổ mồ hôi, hiện tượng này do sự suy thoái lưu lượng máu đưa lên não khiến não không được cung cấp đủ oxy nên gây đau đầu.

3.1.2. Da dẻ xanh xao, mệt mỏi

Lượng hồng cầu có trong máu bị suy giảm đáng kể, hiện tượng này còn gọi dễ hiểu hơn là “thiếu máu”. Cơ thể lúc này của người bệnh có những thay đổi đáng kể về màu da như xanh xao, nhợt nhạt hơn bình thường, cơ thể mệt mỏi.

3.2. Cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn

Trong cơ thể lúc này, lượng bạch cầu tốt bị thay thế bởi các tế bào bạch cầu ung thư  nên chức năng vốn có của bạch cầu bị vô hiệu hóa, dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch. Vi khuẩn bên ngoài tấn công, mà cơ thể không đủ khả năng chống đỡ, dẫn đến việc bệnh nhân ung thư máu rất dễ bị nhiễm khuẩn.

3.2.1. Sốt cao, vết thương khó lành

Cơ thể dễ bị nhiễm bệnh

Đề kháng cơ thể kém, khiến vi khuẩn, virus bên ngoài dễ dàng thâm nhập vào cơ thể mà không có các “chiến binh” bạch cầu bảo vệ. Cơ thể lúc này không còn tường thành vững trãi xung quanh, nên người bệnh bạch cầu chỉ cần một chút thay đổi của thời tiết cũng rất dễ sốt cao do giảm số lượng bạch cầu ở máu ngoại vi. Ngoài ra, các vết thương ngoài ra rất khó lành và dễ nhiễm trùng.

3.2.2. Đau bụng

Đây là dấu hiệu cho thấy bệnh ung thư bạch cầu chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Các tế bào ung thư gia tăng ở gan và lá lách, gây sưng tấy ở các bộ phận này, làm cho những bộ phận này hoạt động khó khăn, suy giảm chức năng. Chính vì vậy, người bệnh sẽ đối mặt với cảm giác đau bụng, đầy hơi. Gan và lá lách tổn thương làm cho người bệnh hay buồn nôn, dễ ói mửa, cảm giác ngon miệng sẽ không còn nữa.

3.3. Cơ thể dễ xuất huyết

Tiểu cầu với chức năng cầm máu. Tình trạng thiếu hụt tiểu cầu sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu, các vết thương khó cầm máu, máu nơi vết thương khó đông thành cục để ngăn máu chảy ra, ngay cả với vết thương nhẹ. Giảm số lượng tiểu cầu dẫn đến xuất huyết với các nốt đỏ, mảng bầm dưới da, chảy máu từ mũi, lợi hay xuất huyết nội tạng đối với trường hợp nặng.

3.3.1. Đốm đỏ, tím

Việc xuất hiện các đốm đỏ hoặc tím trên da mà không rõ nguyên nhân được gọi là xuất huyết dưới da và thường gặp nhất. Hiện tượng này có thể là hệ quả của việc sụt giảm số lượng tiểu cầu trong cơ thể. Chính vì vậy, hãy theo dõi kỹ các vết tím để nhanh chóng nhận lời khuyên, chẩn đoán từ các chuyên gia y tế.

3.3.2. Chảy máu cam

Cơ thể người ung thư bạch cầu dễ xuất huyết

Chảy máu cam, chảy máu chân răng,… được gọi là xuất huyết niêm mạc khá thường gặp đối với người mắc bệnh ung thư bạch cầu. Chảy máu cam thông thường sẽ xảy ra ở mức độ nhẹ và dễ cầm máu ngay. Nhưng đối với người mắc bệnh, chảy máu cam xuất hiện thường xuyên, khó cầm máu, máu chảy ra nhiều.

3.4. Tăng sinh, thâm nhiễm của tế bào ung thư máu

Tế bào ung thư ngày càng đi xa hơn, xâm lấn vào các cơ quan quan trọng như gan, lách, hạch gây nên phì đại cơ quan nội tạng và một số cơ quan khác.

3.4.1. Sưng hạch bạch huyết

Sưng hạch bạch huyết thường nổi dưới da, tại vùng cổ, bụng, tay của bệnh nhân ung thư máu và không gây đau. Các tế bào bach huyết mất dần khả năng miễn dịch chống lại các thương tổn bên ngoài nên các hạch nhỏ xuất hiện bởi vi khuẩn gây ra.

3.4.2. Đau xương

Đau xương dấu hiệu ung thư bạch cầu

Triệu chứng này được xem là triệu chứng chính của ung thư bạch cầu. Những cơn đau này có nguồn gốc phát từ tủy xương, nơi sản xuất ra các tế bào máu. Tùy theo mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng, mà các cơn đau xuất hiện khác nhau nhưng thường xuất hiện ở đầu gối, lưng, các khớp chân,…

4. Các phương pháp chẩn đoán ung thư bạch cầu hiện nay

4.1. Xét nghiệm tế bào máu-xét nghiệm máu

Xét nghiệm tế bào máu

Xét nghiệm máu được coi là cách thức khá đơn giản. Bao gồm các loại xét nghiệm như xét nghiệm tế bào máu, xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm men gan. Dựa vào quá trình này, các bác sĩ có thể thấy được những bất thường về số lượng của các tế bào máu, chỉ số về hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Từ đó, bác sĩ có cơ sở và dữ liệu chẩn đoán sớm các bệnh lý của hệ tạo máu như bệnh thiếu máu, suy tủy, ung thư máu hay cảnh báo sớm các bệnh lý viêm nhiễm khác

4.2. Xét nghiệm tủy- chọc hút tủy xương

Chọc hút tủy xương diễn ra trong khoảng từ 20 đến 30 phút. Tùy vào độ tuổi, vị trí tiến hành xét nghiệm tủy đồ sẽ khác nhau như ở xương chậu, xương ức hay xương cẳng chân,… Phương pháp này sẽ lấy ra một lượng nhỏ mô tủy dưới dạng dịch lỏng để xác định những bất thường, nguyên nhân bất thường của các tế bào máu và sự có mặt của các tế bào ung thư. Ở người bình thường, lượng Juvenile cell có trong trong tủy không được vượt quá 5%, còn đối với bệnh nhân mắc ung thư máu thì lượng Junvenile cell tăng cao, có thể vượt quá 30%.

4.3. Phân tích huyết thanh và nước tiểu - xét nghiệm hóa sinh

Nước tiểu được sản xuất bởi thận, bằng đường nước tiểu mà thận lọc chất thải ra khỏi máu, giúp điều chỉnh lượng nước trong cơ thể, tận dụng những hợp chất khác mà cơ thể có thể tái sử dụng. Thông qua xét nghiệm nước tiểu, các chỉ số glucose, protein, bilirubin, hồng cầu, bạch cầu, tinh thể và vi khuẩn được xác định

Xét nghiệm hóa sinh giúp đánh giá chức năng của các cơ quan trong cơ thể có đang làm tốt nhiệm vụ hay không, với chức năng gan – mật (men gan, bilirubin, protein...), chức năng thận (ure, creatinin...), tình trạng đường máu (glucose máu, HbA1c), tình trạng mỡ máu (triglyceride, cholesterol), ...

Với xét nghiệm trên, sẽ phân tích các thành phần trong máu và nước tiểu, nồng độ acid uric trong huyết tương và trong nước tiểu để biết người đó có mắc bệnh ung thư máu hay không.

4.4.  Xét nghiệm tìm bất thường gen - tìm bất thường nhiễm sắc thể

Xét nghiệm bất thường gen

Tế bào trong cơ thể phân chia và thay đổi theo một quy luật nhất định. Nếu quy luật này bị phá vỡ, dẫn đến việc tế bào phát triển nhanh đột ngột, hay tự chết đi gây nên đột biến gen.

Đột biến này gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể con người, và là một trong số là nguyên nhân của các bệnh ung thư nguy hiểm. Thông qua xét nghiệm này, có thể phát hiện được ung thư thận, tử cung, bạch cầu,… sớm tìm ra phương pháp điều trị thích hợp.

4.5. Xét nghiệm phân loại tế bào - kháng nguyên bề mặt tế bào

Kháng nguyên là những chất xâm nhập vào cơ thể con người sẽ được hệ thống miễn dịch nhận biết nhanh chóng và sinh ra các kháng thể tương ứng để kết hợp đặc hiệu với kháng nguyên ấy. Thông qua xét nghiệm, có thể biết được Các kháng nguyên trên bề mặt màng tế bào thể hiện đặc trưng cho từng dòng tế bào.

5. Các phương pháp điều trị ung thư bạch cầu hiện nay

Ung thư bạch cầu nếu không không phát hiện và xây dựng phác đồ điều trị kịp thời, tình trạng sức khỏe người bệnh sẽ suy kiệt nhanh chóng, dấn đến hậu quả khó lường. Hiện nay, phác đồ này được các bác sĩ xây dựng sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị ung thư bạch cầu có thể được chỉ định cho bệnh nhân

5.1. Xạ trị

Phương pháp xạ trị ung thư bạch cầu

Xạ trị là việc sử dụng các chùm tia năng lượng cao như tia X, tia gamma, chùm proton, chùm tia điện tử,… được đo đếm thận trọng nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Chùm tia phóng xạ này phá hủy tế bào ung thư và ngăn chặn chúng phân chia, kìm hãm sự phát triển của chúng đồng thời bảo tông các tế bào bình thường. Xạ trị không gây đau, mỗi lần điều trị mất vài phút. Đặc biệt, các chùm tia này được định hướng chính xác, đến bất bỳ khu vực nào của cơ thể, máy không chạm vào cơ thể và giống như chụp X-quang thông thường.

5.2. Hóa trị

Hóa trị là phương pháp dùng thuốc (hay còn gọi là hóa chất) để điều trị ung thư. Thông qua đường uống hoặc đường tiêm (tiêm bắp, tiêm động mạch, tiêm tĩnh mạch,..) theo từng chu kỳ để tiêu diệt các tế bào ung thư máu hoặc làm ngừng sự phát triển của chúng. Giữa các chu kỳ điều trị, bệnh nhân sẽ có một khoảng thời gian nghỉ theo quy định chặt chẽ và được rút ra từ các nghiên cứu, để các tế bào tốt của cơ thể có đủ thời gian phục hồi. Hóa trị và xạ trị là hai trong ba phương pháp chính và thường xuyên được chỉ định trong điều trị các bệnh ung thư hiện nay.

5.3. Ghép tủy, Cấy tế bào gốc

Phương pháp điều trị ung thư bằng tế bào gốc được áp dụng sau khi người bệnh đã được hóa trị, xạ trị. Bởi sau khi hóa trị hoặc xạ trị, các tế bào gốc trong tủy xương thường bị chết theo tế bào ung thư. Chính vì vậy, việc cấy ghép này sẽ thay thế các tế bào máu gốc bất thường bằng những tế bào máu gốc khỏe mạnh, giúp cơ thể của người bệnh có thể tái tạo lại các tế bào máu. Những tế bào gốc này sẽ được cấy vào người bệnh thông qua đường tĩnh mạch sau đó di chuyển trong mạch máu và tìm đến với tủy xương, phát triển và tạo các tế bào máu cần thiết cho cơ thể. Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả hơn cả với tỷ lệ 50% bệnh nhân có thể kéo dài tuổi thọ của người bệnh.

6. Bệnh bạch cầu có chữa được không?

Trong thời gian qua, các nhà khoa học đã miệt mài nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu trong việc điều trị ung thư máu. Nhiều phác đồ điều trị hiệu quả giúp cho sức khỏe người bệnh được cải thiện đáng kể, thời gian sống của người bệnh kéo dài hơn. Tuy nhiên, ung thư bạch cầu không thể chữa khỏi và phải kéo dài thời gian điều trị sau khi đã đẩy lui bệnh hoàn toàn. Sau điều trị nếu số lượng tế bào ác tính giảm trên 99% có thể xem là thời kỳ lui bệnh, không còn triệu chứng lâm sàng, máu và tủy xương trở lại bình thường hoặc gần như bình thường. Tuy nhiên, người bệnh cần cẩn trọng trong thời gian này bởi ung thư bạch cầu với các tế bào ác tính khá cao, nếu chỉ còn sót lại một tế bào ung thư thì sau 40 lần phân bào sẽ sinh ra khá nhiều tế bào ung thư con.

Cuối cùng, hãy chăm sóc sức khỏe của bản thân bằng việc cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những bất ổn trong cơ thể, từ đó đưa ra những phương pháp ngăn chặn và phác đồ điều trị hiệu quả.